Tín Chỉ Carbon Là Gì? Thị Trường Tín Chỉ Carbon Ở Việt Nam

Tín chỉ carbon đang dần phổ biến trên toàn thế giới và được người ta nhắc đến như một công cụ đo lường và giảm thiểu khí nhà kính hiệu quả, góp phần vào công cuộc ngăn chặn ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nhưng cụ thể tín chỉ carbon là gì, được tạo ra như thế nào, và đã được áp dụng ở Việt Nam chưa? Hãy cùng BambuUP khám phá chi tiết trong bài viết này!

>>> Xem thêm: Đổi Mới Sáng Tạo Mở (Open Innovation): Mô Hình Đột Phá Giúp Tăng Tốc Đổi Mới Sáng Tạo

1. Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon (hay chứng chỉ carbon) là chứng nhận thương mại cho phép chủ sở hữu phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính tương đương, được cấp bởi chính phủ của các quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế.

Những tín chỉ này có thể được giao dịch trên thị trường, tạo điều kiện cho những quốc gia hoặc doanh nghiệp phát thải ít bán tín chỉ cho các bên có nhu cầu phát thải cao hơn, đảm bảo sự cân bằng và phát triển bền vững.

Tín chỉ carbon được tạo ra nhằm giảm lượng khí nhà kính phát thải từ các hoạt động công nghiệp, góp phần kiềm chế sự gia tăng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Thị trường tín chỉ carbon phát triển để giúp các quốc gia tuân thủ các cam kết quốc tế về giảm phát thải, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo thỏa thuận tại COP26, trong đó có Việt Nam.

>>> Xem thêm: Tín chỉ carbon: Tài sản mới trong tương lai bền vững

Quá trình giao dịch tín chỉ carbon

Quá trình giao dịch tín chỉ carbon (Nguồn: TBS News, dịch bởi BambuUP)

2. Tín chỉ carbon được tạo như thế nào, phát hành bởi ai?

2.1. Cách để đạt được chứng chỉ carbon

Tín chỉ CO2 được tạo ra từ các dự án khí hậu đã được thẩm định và chứng minh thành công trong việc giảm, ngăn ngừa hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính. Thể loại dự án rất đa dạng, có thể kể đến như:

2.1.1. Biochar

Biochar là một loại than sinh học được tạo ra bằng cách nhiệt phân các chất thải hữu cơ trong nông lâm nghiệp như trấu, rơm rạ, thân cây, lá, rễ, vỏ cà phê, mùn cưa, phân động vật... với cấu trúc carbon xốp bền vững.

>>> Xem thêm: Đổi mới sáng tạo xanh: Ý tưởng hay, thực tế khó

Than sinh học biochar có khả năng ‘khóa’ carbon trong một thời gian rất dài

Than sinh học biochar có khả năng ‘khóa’ carbon trong một thời gian rất dài (Nguồn: Sưu tầm)

Biochar có khả năng hấp thụ hoặc kìm giữ mùi, khí metan, CO2­­ và các kim loại nặng trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Loại than sinh học này có thể loại bỏ từ 0,44 đến 2,62 tỷ tấn CO2 mỗi năm, đáp ứng tới 35% nhu cầu loại bỏ carbon trong các kịch bản ổn định khí hậu.

Nhờ chi phí trung bình thấp* và dễ dàng triển khai trên quy mô lớn, đến năm 2022, phương pháp loại bỏ CO2 bằng biochar (Biochar Carbon Removal - BCR) đã chiếm 87% tổng các giải pháp loại bỏ carbon (Carbon Dioxide Removal - CDR) hiện có trên thị trường, với 52.000 tấn CO2 đã được ‘dọn dẹp’ khỏi bầu khí quyển.

*Các dự án BCR có mức chi phí trung bình là 179 USD/ tấn CO2, thấp hơn đáng kể so với 388 USD/ tấn của các phương pháp CDR khác.

Quy trình sử dụng biochar để loại bỏ carbon

Quy trình sử dụng biochar để loại bỏ carbon (Nguồn: Word Economic Forum, BambuUP dịch)

2.1.2. Trồng rừng và phục hồi rừng

Các dự án nhằm bảo tồn, gia tăng diện tích cây xanh và quản lý đất đai trên Trái đất để chống lại biến đổi khí hậu bằng các biện pháp tự nhiên. Cây cối chuyển đổi CO2 từ khí quyển thành chất hữu cơ thông qua quá trình quang hợp, sau đó héo úa và biến thành chất hữu cơ trong đất. Đất giàu CO2 giúp khôi phục các đặc tính tự nhiên của đất – nâng cao sản lượng cây trồng đồng thời giảm thiểu ô nhiễm.

>>> Xem thêm: Thị trường đổi mới sáng tạo xanh bùng nổ: Động lực mới cho nền kinh tế bền vững

Các dự án bảo tồn, gia tăng diện tích cây xanh được áp dụng phổ biến để được cấp chứng chỉ cacbon

Các dự án bảo tồn, gia tăng diện tích cây xanh được áp dụng phổ biến để được cấp chứng chỉ cacbon (Nguồn: Sưu tầm)

2.1.3. Tái tạo năng lượng

Các dự án năng lượng tái tạo đã tồn tại từ lâu trước khi thị trường chứng chỉ cacbon trở nên phổ biến. Nhiều quốc gia trên thế giới được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo phong phú. Ví dụ như Brazil hay Canada với nhiều hồ và sông, hoặc các quốc gia như Đan Mạch và Đức có nhiều khu vực gió mạnh. Đối với những quốc gia này, năng lượng tái tạo từ lâu đã là một nguồn phát điện hấp dẫn và có chi phí thấp, nay lại mang thêm lợi ích từ việc tạo ra tín chỉ carbon.

2.1.4. Cải thiện hiệu quả năng lượng

Có thể thực hiện bằng nhiều cách, từ những thay đổi đơn giản nhất như sử dụng bóng đèn LED thay cho bóng đèn sợi đốt truyền thống, đến các thay đổi có quy mô lớn hơn như cải tạo các tòa nhà, tối ưu hóa các quy trình công nghiệp để nâng cao hiệu quả, hoặc phân phối các thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn cho những người cần, đều góp phần bảo vệ môi trường và nhận được tín chỉ cacbon.

>>> Xem thêm: Thiếu khung đánh giá chung, ESG khó trở thành hiện thực tại các KCN Việt Nam

2.1.5. Dự án Carbon Xanh (Blue Carbon)

Những dự án này tập trung vào việc bảo tồn và gia tăng các hệ sinh thái biển và ven biển của Trái đất, chủ yếu bao gồm các khu rừng biển, như đầm lầy ven biển, rừng ngập mặn - hay còn gọi là rừng đước - và thảm cỏ biển.

Đúng vậy, rừng có thể mọc trong đại dương! Ví dụ điển hình là các rừng ngập mặn ở các vịnh biển, chẳng hạn như vịnh Magdalena ở Baja California Sur, Mexico.

Rừng ngập mặn có khả năng lưu trữ lượng CO2 nhiều gấp 10 lần so với các khu rừng trên đất liền. Điều này có nghĩa là các dự án bù đắp carbon xanh có thể loại bỏ một lượng lớn khí nhà kính so với diện tích mà chúng chiếm đóng! Hơn nữa, chúng còn mang lại rất nhiều lợi ích bổ sung cho hệ sinh thái địa phương. Do đó, các dự án carbon xanh thường được giao dịch với mức giá cao trên thị trường.

>>> Xem thêm: Chuyển đổi xanh tại Nhật Bản: Vượt qua văn hóa né tránh thất bại để vươn lên

Rừng ngập mặn ở vịnh Magdalena ở Baja California Sur, Mexico là ví dụ cho một dự án carbon xanh

Rừng ngập mặn ở vịnh Magdalena ở Baja California Sur, Mexico là ví dụ cho một dự án carbon xanh (Nguồn: Sưu tầm)

2.1.6. Tăng cường phong hóa

Một phương pháp tiên tiến để thu giữ và lưu trữ carbon thông qua các quá trình địa chất tự nhiên, loại bỏ CO2 khỏi khí quyển và lưu trữ vĩnh viễn trong đất.

Ngoài 6 cách kể trên, còn rất nhiều loại dự án, cách thức, phương pháp khác, đến từ nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, giao thông vận tải, hóa chất/ công nghiệp,..v..v…

>>> Xem thêm: Làm sao duy trì một mô hình doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với đổi mới sáng tạo?

Có rất nhiều giải pháp để đạt được tín chỉ carbon

Có rất nhiều giải pháp để đạt được tín chỉ carbon (Nguồn: Sưu tầm)

2.2. Ai cấp tín chỉ carbon?

Tín chỉ CO2 được phát hành bởi các tổ chức uy tín, đã phát triển các tiêu chuẩn và phương pháp để xác minh và đánh giá các dự án khí hậu. Các tiêu chuẩn này đảm bảo tính tin cậy của tín chỉ carbon và đảm bảo rằng các dự án mang lại lợi ích khí hậu thực tế và có thể đo lường được.

Một số tiêu chuẩn quan trọng trong Thị trường Carbon Tự Nguyện bao gồm:

  • Verified Carbon Standard (VCS): Được quản lý bởi Verra, VCS là một trong những bộ tiêu chuẩn phổ biến nhất cho tín chỉ carbon tự nguyện.

  • Gold Standard: Tập trung vào các dự án không chỉ giảm phát thải mà còn thúc đẩy phát triển bền vững.

  • Puro.earth: Chuyên về tín chỉ loại bỏ carbon, với các phương pháp đặc biệt cho biochar, thu giữ carbon trực tiếp từ không khí, và lưu trữ carbon trong vật liệu xây dựng.

Trong phiên thảo luận của Hội thảo "Đổi mới sáng tạo Xanh cho Nhà máy và Khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững", được đồng tổ chức bởi Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Nền tảng đổi mới sáng tạo BambuUP, ông Vũ Trung Kiên - Chuyên gia tín chỉ carbon - Giám đốc công ty NRG – Tan Nguyen JSC và Quản lý dự án SETS (Smart Emission Trading System) nhấn mạnh rằng: Để đánh giá toàn diện nguồn phát thải, doanh nghiệp cần xem xét ba yếu tố quan trọng:

  • Phát thải trực tiếp: Bao gồm khí thải phát sinh trực tiếp từ quá trình sản xuất tại nhà máy, như đốt nhiên liệu và vận hành thiết bị, máy móc.

  • Phát thải gián tiếp: Gồm lượng khí thải từ việc tiêu thụ điện, hơi nước và các nguồn năng lượng khác mà doanh nghiệp mua từ bên ngoài.

  • Phát thải trong chuỗi cung ứng: Đây là lượng khí thải phát sinh từ các hoạt động liên quan đến chuỗi cung ứng, như vận chuyển và phân phối sản phẩm đến khách hàng.

>>> Xem thêm: Nhẹ gánh sản xuất xanh cho Khu công nghiệp, nhà máy với đổi mới sáng tạo mở

3. Các loại tín chỉ carbon hiện nay

Có 3 loại tín chỉ CO2, được phát hành dựa trên đánh giá hoặc ước tính tác động đến khí hậu từ việc mua tín chỉ carbon - cụ thể là lượng carbon được tránh đi, giảm bớt hoặc loại bỏ dựa trên việc mua tín chỉ.

3.1. Tín chỉ giảm phát thải carbon (Carbon reduction credits)

Là loại tín chỉ carbon hướng đến các hành động giúp làm giảm lượng khí thải nhà kính so với các hoạt động công nghiệp trước đó. Tín chỉ giảm phát thải chiếm khoảng 22% tổng số tín chỉ được chứng nhận trên thị trường tín chỉ carbon tự nguyện.

Ví dụ về tín chỉ giảm phát thải bao gồm việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch thông qua cải thiện hiệu suất nhiên liệu, hoặc các chương trình giảm lượng khí methane được tạo ra từ các trang trại hoặc quy trình xử lý rác thải đô thị.

Tín chỉ giảm phát thải được đo lường và tính toán dựa trên mức phát thải cơ bản của công nghệ hoặc quy trình hiện có. Một số loại tín chỉ giảm phát thải dễ theo dõi và đo lường, như các khoản đầu tư vào nâng cao hiệu suất năng lượng hoặc xử lý khí methane rò rỉ.

Tuy nhiên, có những dự án phức tạp hơn nhiều, ví dụ ở các dự án bếp nấu ít phát thải ở các khu vực đang phát triển, ta phải dựa vào việc theo dõi thói quen sử dụng bếp và tính toán các yếu tố phát thải từ các loại nhiên liệu và bếp khác nhau để đo lường - điều mà rất khó thực hiện được. Vì vậy, theo các nghiên cứu, đôi khi tín chỉ được cấp vượt xa so với lượng khí thải giảm được thực tế.

>>> Xem thêm: Nếu 4 startup này có thể giải quyết những thách thức lớn nhất của Đồng bằng Sông Cửu Long?

3.2. Tín chỉ loại bỏ carbon (Carbon removal credits)

Là dạng tín chỉ cấp cho các hoạt động loại bỏ CO2 khỏi khí quyển và kiềm giữ nó trong nhiều thập kỷ, thế kỷ hoặc thậm chí hàng thiên niên kỷ. Hiện nay, có khoảng 3% tín chỉ trên thị trường carbon được chia vào phân loại tín chỉ carbon này.

Có 2 loại giải pháp loại bỏ carbon chính, bao gồm các giải pháp dựa vào thiên nhiên - như trồng rừng, và các giải pháp công nghệ - như thu và lưu trữ carbon trực tiếp từ không khí.

Cách đo lường lượng carbon được loại bỏ của hai dạng dự án sẽ khác nhau. Đối với các giải pháp công nghệ, lượng carbon được ghi nhận sẽ là sự chênh lệch giữa lượng carbon được loại bỏ và lượng phát thải sinh ra để hỗ trợ quá trình loại bỏ đó. Trong khi đó, lượng carbon được ghi nhận ở các giải pháp dựa trên thiên nhiên là lượng carbon bổ sung được loại bỏ so so với mức carbon tồn tại ở khu vực đó trước khi dự án bắt đầu (ví dụ: đất hoang hóa so với một dự án trồng rừng).

Một yếu tố quan trọng khác của tín chỉ loại bỏ carbon là độ bền của dự án — thước đo thời gian carbon có khả năng được lưu trữ.

Carbon lưu trữ có thể tái xâm nhập vào khí quyển thông qua các hành động có chủ đích (như phá rừng) hoặc vô tình (như cháy rừng). Các giải pháp dựa trên thiên nhiên đặc biệt dễ bị tái phát thải nên thường được coi là kém bền hơn (lưu trữ dưới 50 năm). Tuy nhiên, chúng lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí và dễ được áp dụng rộng rãi hơn, chiếm đến 99% tín chỉ loại bỏ carbon hiện nay. Ngược lại, các giải pháp công nghệ có độ bền vững cao hơn, thường lưu trữ được carbon trong hàng trăm đến hàng nghìn năm, nên đắt đỏ và khan hiếm hơn rất nhiều.

>>> Xem thêm: Rong biển Việt Nam - “Mỏ vàng” cần được khai thác tối ưu

3.3. Tránh phát thải carbon (Carbon avoidance credits)

Là hành động ngăn chặn các hoạt động phát thải carbon không xảy ra. Khoảng 75% trong tổng số các tín chỉ được chứng nhận hiện nay là tín chỉ tránh phát thải.

Một ví dụ tiêu biểu cho việc tránh phát thải carbon là ngăn chặn nạn phá rừng, vốn sẽ dẫn đến việc phát thải một lượng lớn CO2 vào khí quyển. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhiều tín chỉ tránh phát thải lại được gọi là tín chỉ giảm phát thải, ví dụ như REDD+ (‘Cơ chế quốc tế nhằm giảm khí thải carbon từ rừng’ của UNFCCC) gọi tín chỉ tránh phá rừng là “giảm phát thải” – trong đó chữ D đầu tiên đại diện cho "deforestation - phá rừng".

Tín chỉ tránh phát thải được tính dựa trên lượng phát thải có thể đã tồn tại nếu dự án không được tài trợ. Dữ liệu lịch sử, thông tin bối cảnh và các mô hình thống kê thường được sử dụng để tạo ra một cơ sở giả định, phản ánh điều gì có thể đã xảy ra nếu không có dự án.

Việc thiếu cơ sở và phương thức đo lường trực tiếp lượng carbon dioxide được tránh đi khiến loại tín chỉ này luôn có một mức độ thiếu chính xác nhất định.

Hiện nay, các bộ dữ liệu mới, kỹ thuật thống kê và phương pháp luận đang liên tục được thử nghiệm, cải tiến và phát triển nhằm ngày càng nâng cao tính chính xác và độ tin cậy cao cho kết quả cấp tín chỉ tránh phát thải.

>>> Tham khảo thêm:

4. Tín chỉ carbon mang lại lợi ích gì?

4.1. Bảo vệ môi trường

Tín chỉ carbon đóng vai trò quan trọng trong việc cắt giảm khí nhà kính, góp phần vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

4.2. Tạo ra nguồn doanh thu mới

Tín chỉ carbon mang lại nguồn thu nhập mới từ các dự án như đầu tư vào công nghệ sạch, bảo vệ và trồng rừng, phát triển năng lượng tái tạo,... cho các quốc gia và doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp các nước đang phát triển có thêm nguồn lực kinh tế để thực hiện các cam kết về môi trường, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn mang lại guồn thu nhập lớn cho các công ty.

Ví dụ điển hình là Tesla – nhà sản xuất ô tô điện nổi tiếng toàn cầu, đã bán tín chỉ carbon cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống và thu về 518 triệu USD chỉ trong quý đầu tiên của năm 2021, và đạt gần 1800 triệu USD vào năm 2022. Nếu thị trường tín chỉ carbon tiếp tục tăng trưởng và giá trị tín chỉ tiếp tục leo thang, Tesla và các doanh nghiệp có lợi cho môi trường có thể gặt hái khoảng lợi nhuận khổng lồ.

>>> Xem thêm: AI - Vũ khí tiềm năng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Bán chứng chỉ cacbon đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Tesla

Bán chứng chỉ cacbon đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Tesla (Nguồn: Sưu tầm, dịch bởi BambuUP)

4.3. Xây dựng giá trị và làm đẹp hình ảnh thương hiệu

Người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao các sản phẩm và dịch vụ có tác động tích cực đến môi trường, việc tích hợp tín chỉ carbon vào chiến lược kinh doanh thể hiện cam kết bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu, xây dựng hình ảnh bền vững và uy tín cho tổ chức.

4.4. Tăng tính minh bạch và hiệu quả kinh tế

Thị trường tín chỉ carbon giúp tối ưu hóa chi phí giảm phát thải, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý khí nhà kính.

>>> Xem thêm: Lộ trình đổi mới sáng tạo nhìn từ Mỹ - Nhật và bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt

5. Thị trường mua bán tín chỉ carbon là gì? Cơ chế hoạt động của thị trường

Thị trường tín chỉ carbon, xuất phát từ Nghị định thư Kyoto năm 1997, hoạt động trên cơ chế cấp quyền phát thải khí CO2 và các loại khí nhà kính khác cho các doanh nghiệp, cho phép họ thải ra một lượng khí thải nhất định trong giới hạn quy định.

Doanh nghiệp có thể bán tín chỉ dư thừa cho các công ty khác hoặc mua thêm nếu vượt quá mức cho phép. Điều này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp nào tối ưu hóa được lượng phát thải của mình.

Ví dụ, nếu một công ty tạo ra 320 tấn khí thải CO2 nhưng giới hạn chỉ cho phép 300 tấn, họ có thể mua 20 tín chỉ carbon từ các doanh nghiệp khác có lượng phát thải thấp hơn và có tín chỉ dư thừa. Quy trình này được xác nhận bởi bên thứ ba và các tín chỉ này có thể được giao dịch trên thị trường carbon, góp phần duy trì sự minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý khí nhà kính.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường carbon đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô giao dịch và sự tham gia của các tổ chức, không chỉ giới hạn ở doanh nghiệp trong và ngoài nước mà còn mở rộng giữa các quốc gia, tạo điều kiện giảm lượng khí thải, góp phần vào nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

>>> Xem thêm: Giải pháp công nghệ thông minh phục hồi môi trường sống

6. Giá chứng chỉ carbon là bao nhiêu?

6.1. Giá tín chỉ carbon tại thị trường Việt Nam

Ông Vũ Trung Kiên - Chuyên gia tín chỉ carbon - cho biết:

“Kể từ năm 2021, nhu cầu về tín chỉ carbon đã tăng vọt lên mức từ 8.000 đến 13.000 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, lượng cung đã điều chỉnh xuống còn khoảng 8.000 triệu tấn mỗi năm để cân bằng với tình hình mới dưới tác động của thỏa thuận COP26 và các cam kết quốc tế về giảm phát thải”.

Giá giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện đang dao động trong khoảng từ 5 USD đến 17 USD/tấn CO2. Mức giá 5 USD/tấn CO2 được ghi nhận trong thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Ngân hàng Thế giới, nhằm hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải carbon thông qua bảo vệ và phục hồi rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là một thỏa thuận hợp tác đặc biệt, chưa phải là giao dịch tín chỉ carbon chính thức trên một thị trường có quy định rõ ràng.

6.2. Giá tín chỉ carbon trên thị trường nước ngoài

Do bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau, giá trị của tín chỉ carbon sẽ biến động và thay đổi theo từng năm. Giá trung bình của mỗi tín chỉ carbon đã tăng 72,5% từ năm 2021 đến năm 2023. Vào năm 2023, giá trung bình của tín chỉ carbon là 6,97 USD.

Giá của tín chỉ carbon theo thời gian thực

Giá của tín chỉ carbon theo thời gian thực (Nguồn: CarbonCredits.com)

Đến thời điểm này - tháng 10 năm 2024, giá chứng chỉ carbon trong thị trường giao dịch bắt buộc đã tăng mạnh, với mức giá dao động từ $7.56 đến $72. Tuy nhiên, tại thị trường mua bán carbon tự nguyện, giá tín chỉ CO2 lại thấp hơn nhiều, chỉ từ $0.33 cho các dự án dựa trên thiên nhiên đến $0.59 cho các dự án công nghệ kỹ thuật.

Có nhiều yếu tố tác động đển giá bán của carbon credits, điển hình là:

  • Công nghệ, thời gian và địa điểm thực hiện của dự án

  • Các tiêu chuẩn, chứng nhận và xếp hạng từ bên thứ ba

  • Lợi ích, giá trị tạo ra cho cộng đồng

  • Các quy định về định giá carbon hiện hành, chẳng hạn như thuế carbon tăng

  • Mức độ cung và cầu của tín chỉ carbon.

>>> Xem thêm: Bước tiến công nghệ vượt trội thay đổi ngành y tế và môi trường

7. Các loại thị trường carbon chính

Hiện nay, có hai loại thị trường carbon chính là Thị trường Carbon Bắt Buộc và Thị trường Carbon Tự Nguyện.

Các loại thị trường chứng chỉ carbon hiện nay

Các loại thị trường chứng chỉ carbon hiện nay (Nguồn: Carbonwise, dịch bởi BambuUP)

7.1. Thị trường carbon bắt buộc

Là nơi giao dịch carbon diễn ra dựa trên cam kết của các quốc gia tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) nhằm đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này hoạt động theo quy định bắt buộc và tập trung vào các dự án như Cơ chế phát triển sạch (CDM - Clean Development Mechanism), Cơ chế phát triển bền vững (SDM - Sustainable Development Mechanism) và Cơ chế đồng thực hiện (JI - Joint Implementation).

Thị trường tín chỉ carbon bắt buộc trên toàn cầu có quy mô rất lớn. Theo Refinitiv, tổng giá trị thị trường đạt 261 tỷ USD, tương đương 10,3 tỷ tấn CO2 được giao dịch trên các thị trường bắt buộc vào năm 2020. Đến năm 2023, con số này đã tăng vọt lên hơn 950 tỷ USD, như minh họa trong biểu đồ dưới đây.

Tổng giá trị giao dịch của các thị trường carbon bắt buộc trên toàn cầu -Đơn vị: Tỷ dollars

Tổng giá trị giao dịch của các thị trường carbon bắt buộc trên toàn cầu - Đơn vị: Tỷ dollars (Nguồn: Sưu tầm)

7.2. Thị trường carbon tự nguyện

Thị trường tín chỉ carbon tự nguyện nhỏ hơn so với thị trường bắt buộc, nhưng dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Thị trường này cho phép các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoặc quốc gia phát hành và giao dịch tín chỉ carbon trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không bị ràng buộc bởi các hiệp ước quốc tế.

Mặc dù vào năm ngoái, thị trường giao dịch carbon tự nguyện được ước tính trị giá mới chỉ khoảng 400 triệu USD, nhưng dự báo cho thấy con số này có thể tăng lên từ 10 đến 40 tỷ USD vào năm 2030, tùy thuộc vào mức độ các quốc gia trên thế giới tích cực thực hiện các mục tiêu về biến đổi khí hậu ra sao.

>>> Xem thêm: Samsung: Nguồn cảm hứng trong thế giới phẳng của đổi mới sáng tạo

Giá trị thị trường carbon tự nguyện toàn cầu - Dự báo tăng trưởng năm 2021 - 2030

Giá trị thị trường carbon tự nguyện toàn cầu - Dự báo tăng trưởng năm 2021 - 2030 (Nguồn: Sưu tầm)

8. Thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam và trên thế giới

8.1. Thị trường tín chỉ carbon ở các nước khác

Tại Hoa Kỳ, bang California có thị trường carbon của riêng mình - tách biệt so với các bang khác - và cấp chứng chỉ cho người dân dựa trên việc tiêu thụ xăng dầu và điện.

Số lượng tín chỉ được cấp mỗi năm thường dựa trên các mục tiêu phát thải. Tín chỉ cacbon thường được phát hành theo một chương trình gọi là “hạn ngạch và giao dịch” (cap-and-trade). Cơ quan quản lý sẽ đặt ra một giới hạn về lượng phát thải carbon – gọi là hạn ngạch. Hạn ngạch này giảm dần theo thời gian, khiến các doanh nghiệp ngày càng khó duy trì hoạt động trong giới hạn cho phép.

Trên thế giới, các chương trình hạn ngạch và giao dịch tồn tại dưới nhiều hình thức ở Canada, EU, Anh, Trung Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc, và nhiều quốc gia, bang khác, trong đó có Việt Nam, cũng đang cân nhắc và lên kế hoạch triển khai.

>>> Xem thêm: Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Hàn Quốc không chỉ có “kỳ tích sông Hàn”

8.2. Tình hình thị trường chứng chỉ carbon tại Việt Nam

Với 3/4 diện tích là đất rừng cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên sông, núi dồi dào, đất nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường giao dịch carbon và giúp doanh nghiệp giảm phát khí thải ra môi trường.

Theo báo cáo của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tháng 3-2023, tính đến tháng 11-2022, Việt Nam đã có 276 dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM - Clean Development Mechanism) và gần 29,4 triệu tín chỉ carbon đã được phát hành từ các dự án đó.

Bên cạnh CDM, nước ta còn triển khai các dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập khác. Theo thống kê, có 32 dự án được đăng ký theo Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard - GS) và 27 dự án theo Tiêu chuẩn Carbon Được Thẩm Định (Verified Carbon Standard - VCS), với tổng số tín chỉ được cấp phát lần lượt là 5,7 triệu và 1,3 triệu tín chỉ.

>>> Xem thêm: Công nghệ đột phá: Sức mạnh đa chiều thúc đẩy mọi lĩnh vực cuộc sống

Việt Nam đã có hơn 270 dự án được ban hành tín chỉ carbon

Việt Nam đã có hơn 270 dự án được ban hành tín chỉ carbon (Nguồn: Sưu tầm)

Năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP, quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, nêu rõ lộ trình và thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.

Theo đó, Việt Nam dự kiến thí điểm thị trường tín chỉ carbon vào năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý - xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, quy chế vận hành sàn giao dịch - cả trong nước lẫn quốc tế, phù hợp với pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia vào năm 2027 và sẽ thành lập, vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028.

>>> Xem thêm: 4 nền kinh tế/lĩnh vực mới thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp cần lưu tâm

Tổng kết

Qua bài viết này, BambuUP đã mang đến cái nhìn tổng quan về tín chỉ carbon, một công cụ quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính và góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tín chỉ carbon không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra nguồn doanh thu mới, đồng thời nâng cao giá trị và làm đẹp hình ảnh thương hiệu cho các doanh nghiệp.

Việc hiểu rõ về các loại tín chỉ carbon, cơ chế vận hành của thị trường và cách thức áp dụng sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả tiềm năng của công cụ này, đồng thời thích ứng với các xu hướng phát triển xanh trên toàn thế giới. Để thành công, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin và điều chỉnh chiến lược của mình, tích cực tham gia vào thị trường tín chỉ carbon để không chỉ đạt được các mục tiêu môi trường mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trong tương lai.

Nếu doanh nghiệp của bạn đang cần kết nối nguồn lực phù hợp để triển khai chuyển đổi xanh một cách hiệu quả, hãy kết nối ngay với BambuUP! Chúng tôi đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Heineken Việt Nam, FASLINK, Qualcomm, Twitter... trong việc công bố các thách thức đổi mới sáng tạo mở. BambuUP tự hào là đối tác chiến lược đáng tin cậy, luôn hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ. << ĐẶT LỊCH TƯ VẤN 1:1 hoặc ĐĂNG KÝ NHẬN NEWSLETTER ngay để không bỏ lỡ những tin tức mới nhất hàng tuần về Đổi Mới Sáng Tạo mở ở Việt nam! >>

Các câu hỏi thường gặp

Có các loại tín chỉ carbon nào?

Có 3 loại tín chỉ CO2, được phát hành dựa trên tác động đến khí hậu của các dự án - cụ thể là Tín chỉ giảm phát thải carbon (Carbon reduction credits), Tín chỉ loại bỏ carbon (Carbon removal credits), và Tín chỉ tránh phát thải carbon (Carbon avoidance credits).

Cách tính tín chỉ carbon là gì?

Mỗi tấn CO2 thải ra bầu khí quyển tương ứng với 1 tín chỉ carbon. Doanh nghiệp cần xác định lượng khí thải carbon sinh ra từ mỗi hoạt động công nghiệp để tính ra được số tín chỉ carbon mà mình đã được sử dụng.

Tín chỉ carbon giá bao nhiêu?

Giá trị của tín chỉ carbon thường biến động, phụ thuộc vào khu vực, loại thị trường giao dịch, mức độ cung - cầu và nhiều yếu tố khác. Hiện nay, cho đến tháng 10/ 2024, giá chứng chỉ carbon ở thị trường Việt Nam dao động từ $5 - $17. Còn ở thị trường nước ngoài, mức giá chứng chỉ carbon là từ $7.56 đến $72 tùy quốc gia.

Bấm để xem các bài viết liên quan

Đã copy link

Chia sẻ:

Tin tức liên quan

114242015-concept-of-new-ideas-and-innovation.jpg
Thứ 7, 16/03/2024

Đột phá ứng dụng công nghệ trong y khoa và khám phá đại dương

Hơn 20.000 người đã giảm triệu chứng trầm cảm nhờ tăng cường chất xám bằng công nghệ kích thích não bộ. Không thể phủ nhận rằng vai trò của công nghệ trong y học và công nghiệp ngày càng trở nên quan trọng, không chỉ mang lại sự thuận tiện mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Cùng với việc mở ra những khám phá mới, các phát minh đang đem lại lợi ích khổng lồ cho con người. Hãy cùng BambuUP khám phá thêm về hàng loạt giải pháp công nghệ đột phá trong tuần này!
1705234060445.png
Thứ 7, 18/05/2024

Tối ưu hóa mọi lĩnh vực trong cuộc sống với công nghệ AI (Innovations Of The Week Tuần 3, Tháng 5/2024))

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành chìa khóa vàng cho sự phát triển và đổi mới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Từ việc cung cấp trợ lý sáng tạo toàn năng cho doanh nghiệp, dự đoán thiên tai với độ chính xác tuyệt đối, đến ứng dụng pin mặt trời hữu cơ trong nhà và tối ưu hóa phân phối thực phẩm, AI liên tục mở ra những chân trời mới. Hãy cùng BambuUP khám phá các đột phá công nghệ trong tuần này và tìm hiểu về những giải pháp khiến AI trở thành cánh tay đắc lực trong phát triển kinh tế và tối ưu hóa sản xuất, xây dựng một tương lai thông minh, an toàn và bền vững hơn.
1692633028866.png
Thứ 6, 29/03/2024

Bài học phát triển logistics bền vững từ hợp tác MTR Lab, Cyberport và alfred24

Nhiều nhà Lãnh đạo Đổi mới sáng tạo hiện nay nhận định thay vì các chỉ số tài chính truyền thống, các nhà đầu tư sẽ ngày càng coi trọng xu hướng đầu tư dựa trên đánh giá tiêu chí ESG. Không chỉ là đòi hỏi tất yếu, thực hành áp dụng ESG còn giúp doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung, đặc biệt trong ngành công nghiệp logistics nói riêng “nâng tầm” giá trị và gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường. Phát triển ngành logistics theo hướng bền vững, xanh hóa nhìn từ hợp tác MTR Lab, Cyberport và alfred24 sẽ là bài học kinh nghiệm hữu ích cho nhiều doanh nghiệp Việt.